Những quan niệm về chăm sóc răng miệng cho trẻ có khi bạn vẫn nhầm lẫn

Bài viết xem nhiều

Bạn đã xem

Những quan niệm về chăm sóc răng miệng cho trẻ có khi bạn vẫn nhầm lẫn

Lê Đào Mai Anh | 10/08/2021

Trong cuộc sống thường ngày, việc bắt gặp những đứa trẻ có hàm răng sún cụt lủn hoặc nham nhở như chuột gặm không hề hiếm. Nhiều bố mẹ quan niệm rằng đó là răng sữa, kiểu gì cũng phải thay, nên là không cần quan tâm. Nhưng liệu đó có phải quyết định đúng đắn, còn những nhầm lẫn gì trong chăm sóc răng miệng cho trẻ mà các bậc cha mẹ nên biết? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau nhé!

Quan niệm 1: Răng sữa kiểu gì cũng phải thay

Độ tuổi mọc những chiếc răng đầu tiên ở trẻ không đồng đều nhau, có bạn mọc sớm thì vài tháng đã bắt đầu có chân răng nhú lên, muộn thì có khi tận đến 1,5 - 2 tuổi. Còn quá trình thay răng sữa thì khoảng 5 - 6 tuổi sẽ bắt đầu thay những chiếc răng đầu tiên. Vậy nên, nhiều bậc phụ huynh cho rằng răng sữa có hạn sử dụng ngắn, chỉ khoảng 3 - 4 năm nên nếu có sâu hay bị sún cũng không vấn đề gì, trước sau gì cũng rụng.

cham soc rang mieng cho tre

Nhưng trên thực tế thì 3 - 4 năm ngắn ngủi đó lại là giai đoạn vàng để con làm quen các loại hình thức ăn và học cách ăn uống khoa học, nếu cứ để con ăn uống vô tội vạ, không tập thói quen vệ sinh răng miệng, hỏng mất hàm răng sữa vừa khiến con ăn uống khó khăn, lại ảnh hưởng không ít đến lối sống sinh hoạt sau này của con.
Đó là còn chưa kể đến việc sâu sún răng sẽ làm con đau và cản trở trong nhai nuốt, đến lúc thay răng sữa mà không có phương pháp dễ gây sót chân răng, ảnh hưởng đến phát triển của răng vĩnh viễn. Nên đừng coi thường và bỏ qua răng sữa.

Quan niệm 2: 3 tuổi mới chăm sóc răng là không hề muộn

Các sản phẩm dành cho bé hay chia theo lứa tuổi nên có nhiều người lầm tưởng khoảng 3 tuổi mới bắt đầu chăm sóc răng miệng cho trẻ. Nhưng theo lời khuyên của các nha sĩ nhiều kinh nghiệm thì “việc chăm sóc răng không nên căn cứ vào số tuổi mà nên tiếp hành ngay lập tức khi trẻ có chiếc răng đầu tiên”. Vậy nên, ngoài việc háo hức đón chờ lần đầu bé mọc răng, các bậc làm cha mẹ cũng nên tìm hiểu những biện pháp làm sạch nhẹ nhàng mà vẫn đạt hiệu quả trong hành trình bảo vệ hàm răng cho bé.

Quan niệm 3: Chăm sóc răng là bắt buộc phải dùng bàn chải đánh răng

Không chỉ đơn thuần là dùng bàn chải, việc làm sạch răng phải căn cứ vào tình trạng riêng của từng bé. Có thể chia thành các giai đoạn như:

  • Bé sơ sinh - vài tháng: dùng rơ lưỡi kết hợp nước muối sinh lý làm sạch miệng để tránh nấm
  • Bé 1 - 2 tuổi: có thể chuyển sang bàn chải xỏ ngón silicon để cho bé làm quen với việc làm sạch răng miệng bằng dụng cụ bổ trợ
  • Bé 3 - 5 tuổi: bắt đầu với bàn chải, có thể thời gian đầu dùng nước muối đi kèm với đánh răng. Sau đó chuyển sang dùng kem đánh răng trẻ em. Chú ý chọn loại hàng có uy tín, không có chất tạo màu, mùi nhân tạo, ít phụ gia gây hại…
  • Bé 6 - 12 tuổi: bắt đầu vào tuổi thay răng sữa, bố mẹ có thể nghiên cứu chuyển sang bàn chải điện để giúp con có hứng thú đánh răng và hiệu quả làm sạch tốt hơn, cực kỳ phù hợp với những trẻ năng động, chưa biết kiểm soát đủ thời gian đánh răng

Ngoài ra nếu bé nhà bạn có những đặc điểm riêng như hàm răng thưa hay chân răng dễ chảy máu, răng hay bị ố vàng thì có thể xin tư vấn nha sĩ để sử dụng các công cụ hỗ trợ thêm sức khỏe răng miệng như chỉ nha khoa, tăm nước, bàn chải điện có hỗ trợ chăm sóc nướu hay một số phương pháp tẩy trắng răng an toàn.

cham soc rang mieng cho tre

Quan niệm 4: Để mặc trẻ tự làm

Có những vị phụ huynh thấy con mình có tinh thần tự giác đánh răng thì mặc nhiên con sẽ hoàn thành tốt và khá là giật mình khi con ngày nào cũng chải răng mà vẫn bị sâu. Điều này khá là dễ hiểu vì trẻ nhỏ hay xao nhãng nên phần lớn thời gian làm sạch được thay bằng việc nghịch nước. Thế nên nếu bố mẹ muốn con chăm chỉ vệ sinh răng miệng và có ý thức giữ gìn thì nên:

  • Xây dựng hình ảnh làm gương cho trẻ: bạn không thể lười đánh răng mà lại bắt con chăm chỉ được, nên nhớ trẻ con bắt chước rất nhanh đó
  • Nên tham gia quá trình đánh răng cùng trẻ: không bắt buộc hàng ngày, nhưng nên có, không chỉ giúp bạn kiểm soát cách trẻ làm sạch răng mà còn giúp tăng tình cảm gia đình
  • Giáo dục trẻ về giữ vệ sinh răng miệng: xen kẽ trong lúc hỗ trợ hoặc dạy trẻ các kỹ năng với ví dụ và bài học sinh động, lặp đi lặp lại, dần sẽ hình thành thói quen tốt
  • Hướng trẻ đến những thực phẩm tốt: những đồ ngọt như bánh kẹo hay các đồ uống có màu không chỉ gây hại cho răng bé mà còn không tốt cho sức khỏe, hãy hướng dẫn bé chọn trái cây để thay thế và chú ý súc miệng sau các bữa ăn phụ

Quan niệm 5: Không cần can thiệp chỉnh răng

Quan niệm trẻ nhỏ không cần can thiệp chỉnh nha là vô cùng sai lầm. Vì theo kinh nghiệm của các bác sĩ răng hàm mặt “chỉnh nha cho một trẻ 15 - 16 tuổi bao giờ cũng tốn kém và khó can thiệp hơn trẻ 10 - 12 tuổi. Độ tuổi tốt nhất để khám xem hàm có lệch lạc hay có cần chỉnh nha không là 7 - 8 tuổi, và nên bắt đầu chỉnh nha bằng lúc trẻ mọc hết răng vĩnh viễn. Điều này phụ thuộc vào trẻ mọc răng nhanh hay chậm”. Đặc biệt là, trẻ được can thiệp đúng lúc sẽ rút được một nửa thời gian nắn chỉnh.
Việc đeo hay sử dụng dụng cụ chỉnh nha trong thời gian dài luôn gây khó khăn với cả người lớn chứ không chỉ riêng trẻ nhỏ, nên bố mẹ nếu mong muốn con có hàm răng chắc - khỏe - đẹp thì nên chủ động cho con đi nha khoa ít nhất 1 năm 2 lần để bác sĩ có chuyên môn sớm phát hiện và đưa ra giải pháp tốt nhất.

cham soc rang mieng cho tre

Chăm sóc răng miệng cho trẻ là một vấn đề tưởng chừng đơn giản nhưng cũng gây không ít bối rối cho bố mẹ vì không biết tin nguồn nào. Mong rằng các vị phụ huynh sẽ loại bỏ được các quan niệm sai phía trên và giữ cho con được nụ cười trắng sáng mãi. 

Thảo luận về chủ đề này
Danh mục
Danh sách so sánh

Giỏ hàng